Nhiều cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát tiền ở công trình này. |
Ngày 15/8/1996, Bộ Văn hoá ra quyết định chọn Công ty TNHH Carrier Hong Kong thiết kế, cung cấp lắp đặt hệ thống điều hoà không khí cho công trình cải tạo, tu bổ Nhà hát Lớn. Quyết định này đã mở đường làm ăn cho ông Nguyễn Xuân Hàm (quốc tịch Mỹ, Trưởng văn phòng đại diện Tập đoàn Carrier Mỹ tại Việt Nam). Ông Hàm đã mượn tư cách pháp nhân của Carrier Hong Kong để đại diện bên B giao dịch, tiếp xúc, ký hợp đồng với bên A là Ban quản lý dự án Nhà hát Lớn, do Trưởng ban Hoàng Đạo Kính làm đại diện.
Ngày 12/12/1996, ông Kính ký tiếp hợp đồng với Hàm điều chỉnh tăng tiền công lắp đặt lên thêm 850 triệu đồng. Trong khi đó ông Hàm lại "bán cái" cho các cơ sở, đơn vị của Việt Nam trực tiếp thực hiện hợp đồng. Nhờ việc chuyển nhượng này, ông Hàm đã bỏ túi trọn 709 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị thi công còn cùng với ông Hàm khai tăng chi phí phát sinh, chi sai qui định, để Ban quản lý công trình Nhà hát Lớn và Cục Đầu tư phát triển Hà Nội thanh toán khống 3,2 tỷ đồng. Phần cung cấp thiết bị cũng bị khai tăng 165,7 triệu đồng.
Tính ra, chỉ riêng hạng mục thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt hệ thống điều hoà không khí của Nhà hát Lớn, các bên đã cùng nhau rút ruột công quỹ tới 4,1 tỷ đồng.
Ngày 26/8/1996, Bộ Văn hóa quyết định chọn Công ty Thăng Long (Tổng cục Hậu cần Bộ Công an) cung cấp các thiết bị cho hạng mục phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Nhà hát Lớn. Thực tế Công ty Thăng Long chỉ cho ông Chu Văn Tiếp, một cán bộ của Cục PCCC mượn pháp nhân, đứng ra giao dịch, quan hệ với Ban quản lý công trình Nhà hát Lớn. Ông Tiếp đã lập lại dự toán, nâng kinh phí cho hạng mục này từ mức dự toán Bộ Văn hóa duyệt là 3,2 tỷ đồng lên 3,4 tỷ đồng.
Để thực hiện hợp đồng, ông Tiếp đặt mua toàn bộ thiết bị PCCC của Trung tâm Điện tử Bình An (Hội Vô tuyến điện tử), nhập của hãng Nomi Nhật Bản. Trung tâm đã cho ông Tiếp gửi giá 15-20% giá trị hợp đồng. Cụ thể, ông Tiếp chuyển cho Bình An hơn 1,6 tỷ đồng thanh toán tiền mua thiết bị, nhưng nhận 6 hóa đơn quyết toán trị giá hơn 1,9 tỷ đồng. Cùng với các khoản thu chi khống khác trong hạng mục cung cấp lắp đặt thiết bị PCCC, ông Tiếp đã bỏ túi 808 triệu đồng.
Về hạng mục cung cấp, lắt đặt thiết bị sân khấu, Bộ Văn hóa chọn Công ty AMG của Cộng hoà Pháp. Nhưng thực tế, AMG không lắp đặt, mà là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Đơn vị này được Ban quản lý công trình ưu ái ký hợp đồng với giá trị vượt dự toán được duyệt hơn 479 triệu đồng. Vậy nhưng ông Kính lại ký thêm một thoả thuận với AMG để trả tiền chuyên gia với tổng trị giá 357.000 USD. Trong số này, 300.000 USD đã được Cục Đầu tư phát triển chi qua Công ty XNK thiết bị văn hoá (Bộ Văn hóa), tới tay AMG. Việc chi tiền trong hạng mục cung cấp, lắp đặt thiết bị này là trái quy định của Bộ Tài chính, và tính ra đã gây thiệt hại cho công quỹ trên 3 tỷ đồng.
Trong hạng mục xây lắp tuyến cáp điện và trạm biến thế, Bộ Văn hóa chọn Xí nghiệp Xây lắp điện thuộc Công ty Điện lực I làm đối tác. Ban quản lý công trình đã ký hợp đồng kinh tế trị giá 4,9 tỷ đồng với đơn vị này, vượt dự toán gần 600 triệu đồng. Việc thi công hoàn tất, Xí nghiệp Xây lắp điện chỉ đề nghị quyết toán 4,8 tỷ đồng.
Nhìn vào tiến độ thi công và giá trị quyết toán, thấy hạng mục này được thực hiện khá nghiêm túc. Nhưng khi cơ quan công an đi sâu tìm hiểu thì thấy hàng loạt vòi bạch tuộc đã bấu vào hạng mục này để kiếm chác. Cụ thể, Xí nghiệp xây lắp điện không trực tiếp xuống mua tận gốc vật tự mà thông qua HTX Tự Cường mua 1.200 m dây điện cao thế của với giá 525.000 đồng/m, trong khi Tự Cường chỉ mua loại dây này của Công ty Vật liệu điện với giá 430.000 đồng/m. Vụ này, vòi hút của Tự Cường đã kiếm được 114 triệu đồng. Tương tự, Xí nghiệp mua một bộ thiết bị tủ cắt 24 Kv của Công ty TNHH Việt Á với giá 432 triệu đồng đồng, Việt Á mua của Công ty Vật liệu điện với giá 320 triệu đồng...
Quá trình điều tra, xác minh việc thất thoát ở công trình cải tạo, tu bổ Nhà hát Lớn đang được tiếp tục.
(Theo Đầu Tư)